Bối cảnh Chiến_dịch_Chernigov-Poltava

Sức tấn công đã cạn, Quân đội Đức Quốc xã bắt đầu làm quen với chiến thuật phòng thủ trong hầm hào

Vào mùa hè năm 1943, Quân đội Liên Xô đã phát triển lên mức đông đảo nhất thế giới kể từ khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai với 6.400.000 quân tại ngũ, được trang bị gần 90.000 pháo và súng cối, 2.200 giàn pháo phản lực, 9.580 xe tăng và pháo tự hành, gần 8.300 máy bay chiến đấu.[3] Mặc dù chịu những tổn thất không nhỏ trong trận Kursk nhưng quân đội Liên Xô vẫn giữ được ưu thế về binh lực và quyền chủ động chiến lược. Với nhiều vũ khí nặng nhận được từ nền công nghiệp quốc phòng, trên các hướng tấn công chính, quân đội Liên Xô đã có thể tạo được mật độ pháo binh lên đến 150 hay 200 khẩu pháo và từ 15 đến 20 xe tăng trên một km chính diện tấn công.[4] Sau thất bại tại trận Kursk, quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận phía Đông rơi vào thế bị động chiến lược, hầu như không còn khả năng phát động các cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, tiềm lực của quân đội Đức Quốc xã vẫn còn đủ để tổ chức phòng ngự dựa vào chướng ngại tự nhiên là sông Dniepr. Tuyến phòng thủ này được gọi phổ biến là "Bức tường phía Đông", người Đức gọi là: Panther-Stellung, còn phương Tây thì mệnh danh là "tuyến Panther-Wotan", được xây dựng theo Chỉ thị số 10 ngày 12 tháng 8 năm 1943 của Adolf Hitler với mong muốn lặp lại thành công của thống chế Paul von Hindenburg tại phòng tuyến Siegfried trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Với phòng tuyến này, Hitler hy vọng sẽ làm cho quân đội Liên Xô "mất máu" khi công phá các công sự và các cứ điểm phòng thủ được tổ chức chặt chẽ trong một "cuộc chiến hầm hào" giống như các mặt trận phía Đông và phía Tây trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.[5]